TP Cosmetic

Người bệnh suy thận hạn chế ăn gì?

Thứ Sáu, 02/08/2024
null Kim Dung

Chế độ dinh dưỡng có vai trò hết sức quan trọng đối với người bệnh suy thận (nhất là người bệnh đang trong các giai đoạn chưa phải chạy thận nhân tạo) nhằm giúp người bệnh duy trì được chức năng thận trong thời gian lâu dài.

Hạn chế tối đa natri (muối)

Sử dụng muối như thế nào cho hợp lý?

Khi chức năng lọc của thận bị suy giảm, natri trong máu có xu hướng tăng lên. Natri là một chất điện giải quan trọng trong cơ thể, có vai trò duy trì cân bằng nước và áp suất máu. Khi natri trong máu tăng, nó sẽ kéo theo nước vào mạch máu, làm tăng khối lượng máu lưu thông. Điều này gây ra tình trạng tăng huyết áp.

Tăng natri trong máu dẫn đến tăng huyết áp. Tăng huyết áp lại làm tổn thương thêm thận, khiến chức năng lọc của thận tiếp tục suy giảm. Khi chức năng lọc nước của thận bị suy giảm, nước dư thừa không được loại bỏ hiệu quả, dẫn đến tình trạng ứ nước trong cơ thể. Điều này cũng góp phần làm tăng huyết áp. Vòng luẩn quẩn này tiếp tục lặp đi lặp lại, dẫn đến tình trạng suy thận ngày càng nghiêm trọng hơn.

Người bệnh nên chọn và chuẩn bị các loại thức ăn ít muối và ít natri để kiểm soát huyết áp, giảm tải cho tim và thận. Khẩu phần chỉ nên chứa dưới 2.300 mg natri mỗi ngày (tương ứng với 1 muỗng cà phê muối gạt ngang). Khi chế biến thức ăn hạn chế sử dụng quá nhiều gia vị, đặc biệt là muối.

Ngoài ra, các loại cá biển, hải sản cũng chứa hàm lượng natri cao, người bệnh nên thay thế bằng các loại cá nước ngọt.

Hạn chế các thực phẩm chứa kali

Khi kali tích tụ nhiều trong máu sẽ ảnh hưởng đến tim mạch gây nên tình trạng rối loạn nhịp tim. Kali có mặt hầu hết trong tất cả các loại rau xanh, củ, quả, trái cây,… Lựa chọn các thức ăn chứa lượng kali thích hợp để giúp hệ thần kinh, tim, cơ bắp hoạt động thích hợp. Người bệnh có thể tham khảo về lượng kali trong các loại thực phẩm trong bảng thành phần dinh dưỡng Việt Nam để hạn chế đúng cách.

Các chất thay thế muối có thể chứa lượng kali cao.

Thức ăn chứa nhiều kali: Chuối, khoai, cà chua, dưa hấu, bơ, gạo lức, sữa, đậu nành, đậu xanh…

Thức ăn chứa ít kali: Táo, lê, cam, quýt, mận, đào, cà rốt, bánh mì trắng, gạo trắng, gạo nấu chín,…

Hạn chế các thực phẩm chứa phốt pho

Trong chế độ ăn của người bệnh suy thận, nên hạn chế các loại thức ăn có chứa nhiều phốt pho. Vì phốt pho sẽ lấy canxi ra khỏi xương, nếu chế độ ăn quá nhiều phốt pho sẽ làm cho người bệnh suy thận dễ mắc thêm tình trạng loãng xương.

Phốt pho chứa nhiều trong các sản phẩm từ sữa, phô mai, thịt cá, đồ uống có ga, bia, lòng đỏ trứng,… Một số loại thực phẩm có thể chứa phốt pho làm thành phần phụ gia, người bệnh nên tham khảo nhãn mác sản phẩm trước khi sử dụng.

Uống nước đúng cách

Người bệnh suy thận hạn chế ăn gì?- Ảnh 2.

Khi chức năng thận suy giảm, việc lọc nước ở thận cũng bị suy giảm. Uống nước đúng cách sẽ giúp người bệnh duy trì được tình trạng bệnh được ổn định hơn.

Ở giai đoạn 1 và 2: Người bệnh chưa có dấu hiệu của thiểu niệu (đi tiểu ít) có thể tính lượng nước uống tương đương với người bình thường ở khoảng 2 lít nước mỗi ngày.

Ở giai đoạn 3 và 4: Khi tình trạng thiểu niệu xảy ra, lúc này thận đã suy giảm chức năng lọc nước. Người bệnh phải chú ý về lượng nước trong ngày, cụ thể lượng nước uống vào phải tương đương với lượng nước thải ra cộng thêm khoảng 300 - 500 ml tùy theo môi trường sống, lượng mồ hôi mà người bệnh có thể cân nhắc.

Nếu thời tiết nắng nóng, người bệnh ra nhiều mồ hôi có thể cộng thêm 500 ml, trường hợp thời tiết bình thường có thể cộng thêm khoảng 300 ml.

Với những nguyên tắc cơ bản trên, người bệnh suy thận sẽ duy trì được tình trạng bệnh ổn định, giảm nguy cơ diễn tiến đến giai đoạn lọc thận. Tuy nhiên, việc sử dụng chế độ ăn cần phải có tư vấn trực tiếp của các bác sĩ chuyên khoa và chuyên gia dinh dưỡng. Người bệnh không tự ý sử dụng bất kỳ chế độ ăn nào khi chưa có tư vấn chuyên môn để tránh các biến chứng nguy hiểm làm bệnh nặng nề hơn.

 

Viết bình luận của bạn